MỎI MẮT TÌM BẢN SẮC TRÊN PHIM VIỆT

Đã lâu lắm rồi phim Việt dường như không còn nhiều bản sắc. Những tràng cười thô thiển, những màn đánh đấm đậm chất Hong Kong hay câu chuyện tình yêu tay ba, “hiện thực” cuộc sống được các nhà làm phim nghĩ ra có thể đặt bối cảnh ở bất kỳ đâu trong nền văn hóa khu vực cũng như trên thế giới hầu như phủ kín toàn bộ rạp chiếu trong nhiều năm qua. “Đậm đà bản sắc dân tộc” - câu slogan mục tiêu của điện ảnh Việt với mong muốn có một tiếng nói riêng của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Bản sắc Việt dần mai một
Điều kỳ lạ là thời kỳ mà phim Việt thấm đẫm bản sắc dân tộc nhất lại nằm ở giai đoạn trong chiến tranh và thời hậu chiến với việc “độc quyền” sản xuất phim thuộc về các hãng phim nhà nước. Điện ảnh thời kỳ này gánh trên vai sức nặng tuyên truyền nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật nhưng không thể phủ nhận nó là “điện ảnh Việt” không pha trộn và được bạn bè quốc tế biết đến nhiều nhất. Việc ít được giao lưu với thế giới khiến những tác phẩm thời kỳ này có thể yếu về ngôn ngữ, về kỹ thuật nhưng câu chuyện, hình thức của nó lại là những câu chuyện rất riêng ở đất nước hình chữ S này. Về mặt nội dung, đó là lòng yêu nước, là chủ nghĩa anh hùng bình dị, lấy gia đình làm trung tâm, đề cao tâm linh, hướng về tổ tiên, lấy nhân vật nữ làm trung tâm để thể hiện số phận dân tộc như bản sắc “Nguyên lý Mẹ” của người Việt. Ngoài ra, những phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống của dân tộc như thủy chung, nhân hậu, bao dung, vị tha... luôn được đề cao. Về mặt hình thức, đó là những làng quê đậm chất Việt hay vùng sông nước đặc trưng, là những nhân vật với cách sống tế nhị, kín đáo, sâu hơn nữa là tính cách khắc họa đặc trưng theo từng vùng miền. Có thể kể đến nhiều tác phẩm như Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10, Ngọn đèn trong mơ, Huyền thoại mẹ...
Từ khi xã hội hóa điện ảnh với sự bùng nổ của các nhà làm phim tư nhân thì điện ảnh nhà nước co hẹp lại, chỉ còn gói gọn trong những bộ phim đặt hàng với mục đích chiếu trong những ngày kỷ niệm. Điện ảnh Việt nhường “sân chơi” cho các nhà làm phim tư nhân và một vài nhà làm phim đơn lẻ theo hướng độc lập. Ngoài những bộ phim lấy “thương hiệu” như Áo lụa Hà Đông (hãng Phước Sang), Cánh đồng bất tận (hãng BHD), Dòng máu anh hùng (hãng Chánh Phương), Thiên mệnh anh hùng (Phương Nam & Saiga phim)... thì các hãng tư nhân chủ yếu làm phim theo thời vụ để thu hồi vốn với chiêu bài câu khách là những pha “tấu hài trên phim” nhạt nhẽo, những câu chuyện tình éo le có thể gặp ở bất cứ đâu trên thế giới.
Bản sắc nào cho các nhà làm phim?
Một đất nước nhỏ với nền điện ảnh khiêm tốn muốn được bạn bè thế giới biết đến thì ắt hẳn phải có sắc vị riêng, đậm bản sắc văn hóa dân tộc - để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, là mạch ngầm tạo nên sức sống của một dân tộc. Iran đã làm rất tốt điều này và ít nhiều câu chuyện đó đã và đang được các nhà làm phim ở những nền điện ảnh nhỏ như Thái Lan, Malaysia học hỏi với những Ong Bak, Uncle Boonmee (Thái Lan) hay Vive L’amour, The River (Malaysia)...
Không thể phủ nhận rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, những nhà làm phim Việt kiều lại cho ra những phim đậm đà bản sắc dân tộc. Sau những câu chuyện rất Việt Nam trong Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng là đến Thời xa vắng của Hồ Quang Minh, Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn, Áo lụa Hà Đông của Lưu Huỳnh, Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ hay có thể kể thêm Chạm của Nguyễn Đức Minh. Phong cảnh, văn hóa, lịch sử, tính cách, tín ngưỡng, võ thuật đều được chuyển tải trong các tác phẩm đậm chất Việt Nam và tất cả những tác phẩm kể trên đều tạo được tiếng vang khi ra mắt. Lý giải sự thành công này, có ý kiến cho rằng, ngoài những đề tài được ấp ủ khá lâu thì cái “hồn Việt” được những người con xa quê hương này nghĩ về một cách nguyên sơ, cốt lõi nhất. Và họ chỉ việc chuyển tải nguyên gốc hình ảnh về quê hương lên màn ảnh. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” khi phim thứ hai của họ thường không còn “đau đáu bản sắc” như những tác phẩm đầu tay.
Những nhà làm phim trong nước cũng loay hoay tìm hướng đi sau đề tài hậu chiến nhưng dường như sự bế tắc trong cách thể hiện, trong việc chọn đề tài và cả yếu tố kinh tế khiến những bộ phim chưa thực sự chạm tới tâm hồn Việt, cuộc sống con người Việt và cả hiện thực của xã hội hiện nay. Những Trăng nơi đáy giếng, Long Thành cầm giả ca, Chơi vơi, Tâm hồn mẹ, Bi đừng sợ... đã cố gắng nhìn nhiều góc của xã hội Việt, lý giải theo góc nhìn dân tộc nhưng dường như vẫn thấy thiếu một cái gì đó để tác phẩm đạt tới một nấc cao hơn trong lòng khán giả Việt chứ chưa nói đến việc vươn ra quốc tế.
(Trích Thuận Nhân, SKĐS)

0 nhận xét:

Post a Comment