Chúng ta là người Việt Nam

Chúng ta có chung dòng máu và màu da.

Chúng ta là người Việt Nam

Chúng ta nên yêu thương, hãy tha thứ và quên đi.

Chúng ta là người Việt Nam

Chúng ta phải bắt tay để xây dựng đất nước giàu mạnh.

Chúng ta là người Việt Nam

Chúng ta hãy yêu nước bằng lòng hăng say lao động.

Chúng ta là người Việt Nam

Chúng ta phải luôn tự hào về nguồn cội.

THEO DÒNG LỊCH SỬ (PHẦN I)

TRÍCH PHÓNG SỰ "HÀ NỘI NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ"

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bình Định, có lẽ vậy nên giọng của miền đất ấy đã ngấm vào tâm hồn của một con người, một giọng nói trầm ấm và âm vang có chút pha giọng của người miền Bắc nơi làm việc quen thuộc mà vẫn giữ lại được cái gốc của miền Trung thân quen. Đó là cảm nhận đầu tiên mà tôi gặp được đồng chí Trần Việt- Nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. Đồng chí là người trực tiếp tham gia vào trận chiến 12 ngày đêm lịch sử của quân và dân ta.
Cái thời mà quê hương bị giặc phá hoang tàn, Ngô- Diệm theo lệnh của Mỹ trút những mảnh đạn, bom lên quê hương đau thương, trẻ nhỏ thì chưa thể làm gì nên theo lệnh của kháng chiến những đoàn học sinh cấp I, cấp II của miền Nam được tập kết ra Bắc học tập trong đó có cả đồng chí Trần Việt. Khi đó đồng chí Trần Việt mới 9 tuổi. Ra ngoài Bắc đồng chí được học tại trường Phổ Thông 3A Việt Đức Hà Nội. “Học hành chăm ngoan là những đức tính của người học trò khi ấy và chỉ với một mong ước nho nhỏ, đơn giản nhưng đầy khích lệ lũ trẻ là được gặp Bác Hồ một lần”- Đồng chí Trần Việt kể lại với chúng tôi. Đó cũng là cái thời mà để lại những kỉ niệm khó phai trong lòng đồng chí.
Thời thanh niên rồi cũng đã đến, cái khí thế hừng hực của tuổi xuân cùng lòng yêu Tổ quốc tha thiết đã thôi thúc người thanh niên ấy ra chiến trường:
“Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi” (Quê hương- Giang Nam)
Ngày 01 tháng 07 năm 1965 đồng chí Trần Việt nhập ngũ, mang trên mình bao lô, ra chiến trường ác liệt đối mặt với sự sống và cái chết nhưng tên gương mặt vẫn nở nụ cười với lòng tin vào sự thành công của Cách mạng.
Và khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, đồng chí được cử đi học lái máy bay, loại máy được coi là hiện đại nhất thời bấy giờ, máy bay B21. Lớp học có khoảng 100 học viên, sau khi được đào tạo lý thuyết, sau đợt kiểm tra sức khỏe lần 2 thì số lượng chỉ còn lại 50 đồng chí trực tiếp học bay để phục vụ chiến đấu. Và số lượng này còn sẽ được trải qua các đợt thử thách và lựa chọn của đơn vị, chọn ra những đồng chí có thành tích và khả năng chiến đấu cao, kỹ thuật lái máy bay tốt nên mọi người đều có ý thức tập luyện rất hăng say. Với trái tim đầy nhựa sống của tuổi trẻ, lòng yêu đất nước trước bóng giặc chưa tắt, trí thông minh và lòng ham học hỏi, lớp huấn luyện đã kết thúc khóa Tốt nghiệp vào năm 1968 với 32 người trong đó có cả Trần Việt. Đồng chí nhớ lại những cái tên thân quen, dù đã xa cái thời của tháng năm hào hùng nhưng những cái tên đó vẫn xứng danh anh hùng cho mãi về sau: Anh hùng Nguyễn Đức Sót, Anh hùng Nguyễn Tiến Châm, Nguyễn Văn Nghĩa…
Khi trực tiếp ra chiến trường chiến đấu, con người ta mới cảm nhận được cái đau thương của dân tộc mà những trang sử sách chỉ mới phản ánh được một phần mà thôi. Có lẽ vậy! Đối với đồng chí Trần Việt những khoảnh khắc về trận đánh, những lần bắn được chiếc máy bay của địch rơi, cảm xúc và… cả những lần chứng kiến cảnh đồng đội của mình bị hy sinh sẽ không bao giờ có thể phai nhạt trong tâm trí của đồng chí.
Hoạt động trong tổ bay của quân chủng phòng không, với nhiệm vụ của một phi công, đồng chí Trần Việt luôn trong tư thế sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Hình ảnh của những chiếc máy bay phản lực quân sự của địch rải thảm bom đạn lên mảnh đất của quê hương mình càng làm tăng thêm lòng sục sôi và ý chí đánh giặc của đơn vị và của riêng đồng chí. Những mảnh bom đạn như càng đè nặng, cắn sâu vào trong lòng đất.., chua xót, đau thương, phản ánh tội ác của giặc mà nhân dân ta không thể nào tha thứ.
Nhiệm vụ không cho phép đơn vị ở tại chỗ mà luôn luôn phải cơ động, trực chiến sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị của đồng chí đi nhiều nơi trên khắp miền Bắc như: Nội Bài, Yến Bái, Hòa Lạc… Dù cuộc sống sinh hoạt rất riêng không giống các đơn vị bộ đội khác nhưng các anh vẫn gần gũi và dựa vào nhân dân để chiến đấu. Bữa cơm cho phi công được coi là khá khẩm hơn các đơn vị khác nhưng đâu so được với thời bình, vậy mà… các anh vẫn ăn thật ngon chỉ với một mong muốn là có đủ sức khỏe đánh tan giặc xâm lược. Nơi ở cũng thật giản đơn, có thể chỉ là một mảnh chiếu rải ra trong khu nhà của trường học mà học sinh đã đi sơ tán hoặc cũng chỉ cần một nơi có chút yên tĩnh để nghỉ ngơi thiền quang, chùa tự.
Giặc điên cuồng bắn phá làng xóm, mảnh đất của quê hương ta hòng lấy lại được tinh thần của một hiệp định sắp ký kết buộc ta phải chấp nhận những yêu sách có lợi cho chúng sau năm 1968. Địch bắn phá cả ngày lẫn đêm vào các khu vực đông dân hoặc những nơi mà chúng nghi là nơi cơ yếu, quan trọng của ta. Trong tâm trí của người chiến sĩ cách mạng, vẫn hiện lên hình ảnh của những chiếc máy bay địch ném bom, rải thảm vào trận địa. Những lần bom được thả xuống là những lần đất rung chuyển, đất đai bắn tung tóe và những làn khói trắng nổ phồng như những quả nấm to khổng lồ vùi chặt lấy nhà cửa, xóm làng ta. Hồi trực ở Gia Lâm II, đồng chí chứng kiến những cảnh đau thương của đồng bào ta, rày vò mà không thể làm gì hơn. Nhà cửa trúng bom thì rụi nát, những ngôi nhà không trúng bom trận này thì lại trúng bom vào trận khác, hoặc là cháy nghi ngút khói trời; trâu bò chết; người người gồng gánh đi sơ tán theo lệnh của kháng chiến, những chiếc xe xích lô hoang tàn; trẻ nhỏ thì chúng biết làm sao đây? thôi thì bố mẹ đã ra chiến trường còn lại là người bà còng lưng nhưng vẫn cố gánh đứa cháu bằng thúng, mủng sơ tán. Mặt mày ai cũng sạn đen, hốc hác bởi những mảnh bom, đạn, bởi lòng căm thù giặc sâu sắc... Chúng rải bom mạnh nhất ở khu Khâm Thiên, các làng Phúc Yên, Thanh nhàn và rất nhiều khu phố của Hà Nội. Nhân dân ta vẫn một lòng đoàn kết, kiên chung đấu tranh chống trả địch bảo vệ từng tấc đất, con người.
Trầm ngâm! Nhớ lại hơn những giây phút của một thời lửa khói, đau thương mà oanh liệt khi được chúng tôi hỏi về kỉ niệm sâu sắc nhất của mình, đồng chí đã chậm rãi nói, giọng trầm xuống xót xa. Những hy sinh của đồng bào, đồng chí ta mà Mỹ ngụy gây ra đời đời không thể nào quên… Người xưa có câu: “trời đánh còn tránh miếng ăn”. Thế nhưng, những người chiến sĩ trong thời chiến không cho phép mình được ngồi đàng hoàng mà cầm bát cơm lên ăn cho tử tế được. Trực chiến luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng vậy nên, bữa cơm đang ăn cũng phải bỏ nửa chừng để đi chiến đấu. Hình ảnh của bốn đồng chí trực chiến phải bỏ dở mâm cơm, khi làm xong nhiệm vụ rồi quay lại chỉ còn hai đồng chí như khắc vào tâm khảm. Hy sinh để chiến đấu bảo vệ quê hương mình là một điều đáng tự hào và các đồng chí không bao giờ nghĩ tới chuyện rằng mình sẽ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Dấn thân mình, đối mặt với bom đạn hay lập được chiến công không một chút vụ lợi cá nhân, tất cả đều một mong muốn một ngày nào đó đất nước được thống nhất, hòa bình, nhân dân được sống trong cảnh yên vui, hạnh phúc.
Mười hai ngày đêm chiến đấu, khi ở trong hầm trực chiến, khi ra ngoài trực tiếp đối mặt với hiểm nguy và cũng là những ngày tháng để lại cho đồng chí Trần Việt những kỉ niệm không hề phai nhòa theo năm tháng. Đồng chí vẫn nhớ như in ngày, giờ khi được chúng tôi hỏi về những kỉ niệm. Trước trận chiến đấu quyết định mười hai ngày đêm của nhân dân ta, đơn vị của đồng chí đã bắn rơi một chiếc F4 vào ngày mùng 8 tháng 7 năm 1972. Ngày 30 tháng 09 năm 1972 tiếp tục bắn rơi chiếc máy bay F4 thứ hai. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1972 hạ một chiếc may bay F4 thứ ba. Hào hùng lắm! Khi nhìn thấy những chiếc máy bay rải bom của địch bị ta hạ gục. Cái ngày mà chiếc F4 bị đơn vị bắn rơi đầu tiên đã để lại một niềm hân hoan, khó tả trong đồng chí. Nhiệm vụ đánh địch được quán triệt ngày từ đầu và tất cả các anh em trong đơn vị cũng chỉ muốn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để giành lại thống nhất, độc lập cho tổ quốc. Lập chiến công nhưng có ai màng đến cái gọi là chiến công! Hi sinh rồi để lại cho người đời những tấm ân tình sâu sắc. Các anh chỉ thích nhất là được đeo huy hiệu của Bác Hồ chứ không hề nghĩ tới lập chiến công cho riêng mình.
Nhiệm vụ của đơn vị là thực hiện ý đồ của Quân chủng, còn Quân chủng thực hiện ý đồ của Bộ Quốc phòng giao. Đơn vị của đồng chí Trần Việt có nhiệm vụ đánh vào ngòi hỏa lực của tên lửa, pháo tầm thấp và tầm cao, bảo vệ thủ đô không cho các đầu máy bay của địch có khả năng vào vùng Hà Nội. Vậy nên, chiến công của các đồng chí không phải bắn rơi được nhiều máy bay của địch mà là chặn được số bom đạn mà Mỹ dự kiến sẽ rải vào thủ đô và ngăn chặn được những chiếc máy bay ở các vùng lân cạn tiến vào thủ đô.
Tấm lòng kiên chung của những người con yêu Tổ quốc cộng với sự động viên và chỉ đạo kịp thời từ Ban lãnh đạo đã giúp các đồng chí hoàn thành xuất sắc của mình. Cán bộ chỉ huy như đồng chí Đặng Tính, đồng chí Đào Đình Luyện, đồng chí Mạnh… có một khối kinh nghiệm khổng lồ về “Nghệ thuật quân sự” từ thời chống Pháp đã kịp thời đốc thúc, củng cố, động viên tinh thần anh em, đồng chí trong đơn vị. Ngoài ra, anh em còn được nhân dân che chở, đùm bọc, đó cũng chính là nguồn động viên, miền hậu phương vững chắc về tinh thần khi các anh bước ra ngoài trận địa đối mặt với bom đạn.
Hàng trăm chiếc máy bay của địch ngày đêm bắn phá, bắn phá không ngừng nghỉ, bắn phá bất cứ nơi đâu. Những đội hình bay gồm ba chiếc máy bay rải thảm bom đạn của chúng cứ thay nhau làm việc không ngừng nghỉ. Đất dường như không còn chút hơi thở vì những lượt bom đạn từng giây dày xéo. Rồi những chiếc B52 của địch xuất hiện trên bầu trời Hà Nội,gầm rú như những con mãnh hổ tưới hàng trăm tấn bom đạn lên quê hương ta. Thương lắm! Những cụ già, bầy trẻ thơ hay cả những trai tráng ra chiến trường vì nghĩa lớn bị lớp bom đạn ấy hủy hoại. Tiếng khóc của người mẹ vì con, của người vợ vì chồng, của người con vì bố dường như có thể át được cả tiếng bom, tiếng đạn ngoài kia. Nhưng… những kẻ không trái tim ấm nóng kia sao có thể hiểu được. Và ít ai có thể dự đoán nổi, một dân tộc nhỏ bé ấy lại có thể thắng được một nước lớn, hùng mạnh. Có phải chăng, cái độc lập tự do chính nghĩa cuối cùng rồi cũng sẽ thắng được cái phi nghĩa của những kẻ phi nghĩa.
Những chiếc B52 được coi là máy bay tối tân nhất thời bấy giờ lần lượt bị ta bắn rơi. Mỹ đâu có biết, Việt Nam ta giỏi thế! Những anh hùng phát minh, chế tạo tên lửa có tầm bắn xa hơn, phóng lên không trung với tầm xa khoảng tám nghìn mét đã chạm tới ngưỡng của B52 khi bay trên bầu trời Hà Nội. Những anh hùng với chiến công bắn rơi những chiếc máy bay B52 của Mỹ như Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Vũ Đình Trọng…thì tên còn gắn mãi với thời gian và lịch sử của dân tộc.
Nhớ lại một thời hào hùng, khí thế tiến công quân địch của quân và dân ta trong suốt 12 ngày đêm lịch sử từ ngày tháng đến ngày tháng năm 1972 ta không thể không nhắc đến những binh đoàn ngoài chiến trận, nhưng cũng không thể bỏ qua hậu phương vững chắc bên trong. Tình anh em, đồng chí nào đâu đếm được. Tình quân dân mãi mãi chẳng thể nào phai. Đoàn kết là một sức mạnh không một kẻ địch nào có thể đấu lại nổi dân tộc ta. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn song vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta từ thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… và chúng ta có quyền tự hào thêm về một áng anh hùng ca lịch sử của thời đại chống Pháp, chống Mỹ.
Kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm lịch sử, một trận “Điện Biên Phủ” thứ hai được nhân dân và chính quyền ta gọi- Trận Điện Biên Phủ trên không, một chiến thắng làm rung chuyển chế độ ngụy quân, ngụy quyền, buộc Mỹ phải tuyên bố Mý hóa chiến tranh trở lại đối với Việt Nam, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Chứng kiến cảnh Hà Nội sau những trận bom mưa, nay trở lại yên bình tuy còn sơ xác tiêu điều nhưng trong lòng người chiến sĩ cách mạng Trần Việt cảm thấy rộn rã, vui sướng biết bao. Hà Nội giải phóng rồi, thủ đô, trái im của cả nước đã bình yên trở lại và đón những người con sơ tán trở về… rộn rang, đầy sức xuân. Trên khuôn mặt của ai cũng hiện lên một nụ cười tươi, những khuôn mặt xám xịt trước kia nay rạng rỡ, tươi vui. Một niềm vui khó tả!
Cuộc đời binh nghiệp ai đoán trước được điều gì. May mắn là đồng chí vẫn còn đây… Sau khi giải phóng thủ đô, đồng chí Trần Việt còn đi rất nhiều chiến trường, phục vụ cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đất nươc giải phóng, vẫn theo bước chân người lính. Năm 1976, đồng chí lập gia đình ở ngoài Bắc, sinh được hai người con giờ cũng đã trưởng thành và công tác trong đơn vị của các hang hàng không Việt Nam.
Đồng chí có điều gì nhắn nhủ với thế hệ trẻ ngày nay? Câu hỏi cuối cùng của chúng tôi trong buổi gặp mặt và nói chuyện với Trung tướng Trần Việt.
Điều mong muốn trước tiên của người chiến sĩ cộng sản đối với thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay là hãy yêu quê hương, đất nước mình. Các thế hệ cha anh đi trước đã bảo vệ và giành lấy độc lập tự do cho dân tộc cớ sao thế hệ trẻ lại không làm được? Dù khó khăn vẫn phải giữ gìn mảnh đất của quê hương mình, không được lùi bước trước quân thù. “Quê hương là chùm khế ngọt”, quê hương cũng chính là người mẹ hiền đã nuôi dưỡng ta khôn lớn… Tình yêu quê hương đất nước trong thời đại ngày nay chính là việc làm của các thế hệ thanh thiếu niên ra sức học tập, nghiên cứu, trau dồi những kiến thức lý luận và thực tiễn; phản biện lại những tư tưởng đi ngược lại với chính sách, đường lối của Đảng, chống lại những tư tưởng cực đoan, thâm thù mà các thế lực thù địch tuyên truyền, tiêm nhiễm… Rèn luyện đức tính tự lập từ khi còn nhỏ cho mỗi công dân, như vậy sẽ tránh được những tư tưởng trông mong, ỷ lại, phát triển thêm trí tuệ của mỗi người.
Điều thứ hai đồng chí nhắn nhủ tới thế hệ trẻ là “Ta phải bảo vệ Đảng”. từ khi đất nước ta thống nhất, Đảng ta cũng bước sang một trang sử mới, sứ mệnh mới. Đó là tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đường lối của Đảng ta có những giai đoạn đã mắc phải những sai lầm, nhưng Đảng ta đã kịp thời sửa chữa khuyết điểm. Công cuộc cách mạng đất nước do Đảng ta lãnh đạo chưa hề thay đôi bản chất từ khi thành lập Đảng cho đến nay, đó là xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phát triển kinh tế theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhân dân ta được sống trong hòa bình, yên vui. Mặt khác, thực tiễn cách mạng cũng đã chứng minh, nhân dân ta cũng đã chứng kiến được cảnh đổi thay ngày càng tốt đẹp của đất nước. Những điều đó đều do đường lối chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam tạo ra chứ không phải ai khác. Đồng chí khẳng định “Chỉ có Đảng cộng sản mới lãnh đạo được nhân dân bảo vệ được nhân dân và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc phát triển”
Sau những ngày tháng hi sinh, gian khổ, con người ta dường như càng biết trân trọng hơn những thứ đã qua, đã từng là kỷ niệm của một thời gắn bó. Đồng chí đã kể cho chúng tôi thật nhiều về những năm tháng trong quá khứ, những hi sinh, tổn thất của dân ta, của dân tộc ta khi bị tên đế quốc xâm lược. Nhưng kể làm sao cho hết được những đau thương đo bằng xương máu và tính mạng của dân ta, những tội ác tày trời mà Mỹ ngụy đã gây ra trên mảnh đất quê hương còn vương tới tận ngày nay? Hãy xem xét lịch sử cùng với những hành động hiện tại để xây dựng đất nước ta ngày càng tươi đẹp.