Tờ Korea Herald của Hàn Quốc ngày 2.2 đã có bài viết ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng ông là một "biểu tượng lãnh đạo" ở Châu Á.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng được các tổ chức toàn cầu và các hãng thông tấn hàng đầu Châu Á và thế giới ca ngợi vì sự lãnh đạo và thông điệp "niềm tin chiến lược", nhằm đối phó với các thách thức kinh tế và căng thẳng khu vực.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều vấn đề nảy sinh trong nước liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết IV của Đảng Cộng sản và Việt Nam bị tác động lớn bởi những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, ông đã kiên quyết lãnh đạo nền kinh tế Việt Nam vượt qua mọi thách thức để đạt chỉ số tăng trưởng GDP là 5,4%, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Năm 2013 chứng kiến sự gia tăng căng thẳng về an ninh và ngoại giao ở Châu Á. Sự suy giảm lòng tin trong khu vực được cho là còn gia tăng trong năm nay, làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa một bên là nhu cầu hợp tác kinh tế và một bên là những xung đột an ninh giữa các nước lớn trong khu vực.
Ngày nay, Việt Nam là một hiện tượng thú vị ở Châu Á, cả trong khía cạnh chính trị, kinh tế và cách đất nước giải quyết xung đột chính trị và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam rất tích cực trong việc ủng hộ hội nhập toàn cầu và trở nên ngày càng tự tin, quyết đoán hơn trong việc giải quyết các vấn đề nóng của quốc tế, mặc dù vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đáng kể.
Xếp hạng của Việt Nam trong cuộc khảo sát cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã tăng 5 bậc trong năm 2013, chủ yếu do môi trường kinh tế vĩ mô được cải thiện, duy trì lạm phát một con số, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hiệu quả thị trường và giảm các rào cản thương mại, thuế quan cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, năm 2013 Việt Nam đã thành công trong việc ổn định nền kinh tế bằng cách duy trì tỉ lệ phạm phát vừa phải và cải thiện cán cân thương mại. Nền kinh tế Việt Nam không gặp sự cố nghiêm trọng nào, dù khủng hoảng nợ xấu đè nặng lên ngành tài chính và ngân hàng vào cuối năm ngoái. Niềm tin tăng cao đã kéo các nhà đầu tư trở lại thị trường và triển vọng kinh tế ngày càng sáng sủa.
Triển vọng cho hơn 10.000 doanh nghiệp trong nước đã được "hồi sinh" nhờ các biện pháp cải cách quyết liệt. Việc cam kết thúc đẩy khu vực tư nhân, tái cơ cấu nền kinh tế đã đưa Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn hàng đầu khu vực.
Sau 6 năm kinh tế rơi vào tình trạng bấp bênh do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Việt Nam về cơ bản đã "thoát đáy", lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định.
Sự phụ thuộc vào vàng và USD trong các giao dịch đã giảm đáng kể khi niềm tin vào tiền đồng Việt Nam tăng lên. Quan hệ thương mại và đầu tư tiếp tục tăng trưởng ở hầu hết các khu vực và thành phần kinh tế. Các khoản nợ nước ngoài, nợ công và nợ của chính phủ đã được kiểm soát trong giới hạn an toàn.
Trong khi Việt Nam vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng với các tổ chức chính trị ổn định và một mặt trận chính trị thống nhất, được hậu thuẫn bởi "tiếng nói chung", Châu Á trải qua năm con rắn trong tình trạng hỗn loạn, tranh chấp lãnh thổ leo thang, đỉnh điểm vào tháng 11 khi Trung Quốc tiếp tục gây căng thẳng bằng việc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Các nước trong khu vực cũng nóng lên trước tình trạng tranh cãi về quyền di chuyển, tự do hàng hải, tự do hàng không. Xung đột Trung-Nhật càng căng thẳng hơn khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm đền Yasukuni Shrine. Chia rẽ về an ninh sẽ đe dọa hội nhập kinh tế, bất chấp những tiến bộ về hội nhập khu vực trong những năm trước.
Năm 2013, hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở nên nổi bật ở chính trường Châu Á và quốc tế. Tại Đối thoại Shangri-La 2013, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - trong đó nhấn mạnh vào "niềm tin chiến lược" - đã đem đến cho cộng đồng quốc tế một bức tranh sáng rõ hơn về Việt Nam. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn cho thấy cách tiếp cận tích cực, chủ động và có trách nhiệm của mình với các vấn đề chung.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây được tiếng vang mạnh mẽ. Khái niệm về "niềm tin chiến lược" được đề cập và áp dụng như một ý tưởng mới, một biện pháp khắc phục những thách thức địa chính trị trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy bản chất thật sự của cuộc xung đột và bất đồng ở Châu Á - Thái Bình Dương, đó là một thái độ hoài nghi chính trị dẫn đến bế tắc, dẫn đến chỗ các cuộc xung đột, vì thế không thể hoà giải được.
Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất hiện nhiều trên báo chí Châu Á với rất nhiều lời khen ngợi. Phiên bản điện tử của tờ báo Malay Mail (xuất bản từ năm 1896) gọi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là "một nhà lãnh đạo Việt Nam thực thụ".
Tuần báo Viet Weekly bình luận rằng, việc mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La cho thấy Việt Nam được các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự trong khu vực và toàn cầu tôn trọng.
Tạp chí Eurasia Review cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúng khi truyền tải thông điệp rằng "cần phải có hòa bình và hợp tác và điều này phụ thuộc vào nhân tố hàng đầu là lòng tin chiến lược". Tạp chí này cũng đồng tình với nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào việc kiềm chế các hành động gây hấn.
Nếu sự cạnh tranh và can dự đó mang những toan tính của riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố được lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ngay cả Tạp chí Bloomberg danh tiếng cũng ca ngợi Thủ tướng Việt Nam là một biểu tượng có ảnh hưởng lớn, khi ông cam kết mở cửa các doanh nghiệp nhà nước vào thị trường cạnh tranh, cho phép tăng quyền sở hữu của nước ngoài tại các ngân hàng, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng và tham gia vào các thỏa thuận thương mại.
Với hàng loạt những thành tích đặc biệt như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được độc giả tờ Huffington Post bầu chọn là thủ tướng được đánh giá cao nhất ở Châu Á trong năm 2013, một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là thủ tướng duy nhất của Việt Nam được Tạp chí Thương mại thế giới bình chọn là một trong 20 nhà cải cách của Châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông. Như vậy, ông đã đưa nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng và thực hiện hàng loạt cải cách để nhanh chóng đưa Việt Nam thành ''con rồng Châu Á''.
Theo báo Người lao động
Hàn Quốc: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là biểu tượng lãnh đạo Châu Á
1:47 PM
No comments
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment